Dưới Ngọn Cờ Đào

Cách đây vài tuần, mình tình cờ gặp một cựu chiến binh từ Đức sang. Nơi xứ người mà gặp một cựu chiến binh kiều bào thì thật là một kỳ duyên. Hiện chú ấy đang làm việc ở Đức. Tối mình về khách sạn nơi chú ấy tạm trú, rồi hai chú cháu và vài đồng nghiệp của chú ngồi nhậu, nghe kể chuyện chiến trường.

Sẵn có máu thơ thẩn trong người từ gia đình, nhân dịp ngày Thương binh Liệt sĩ, mình xin làm bài thơ này tặng mọi người, đặc biệt là những người con xa xứ vẫn đang ngày đêm hướng về đất nước, quê nhà.

Bài thơ này mình lấy cảm hứng và ý tưởng từ bài "Danh tướng Võ Nguyên Giáp dưới ngọn cờ đào" mà mình đã viết mấy năm về trước, và cũng dựa trên những lời kể, những nỗi niềm, cảm nghĩ, tấm lòng của người cựu chiến binh kiều bào đáng quý mà mình đã gặp. Đồng thời cũng mạn phép xin lấy ông làm nguyên mẫu cho "góc nhìn thứ nhất" (first-person view) của bài thơ này. Bài thơ theo trường phái "thơ tự do" không theo bất kỳ quy luật nào.

Ngày Thương binh Liệt sĩ là ngày tưởng nhớ, tưởng niệm những người Việt Nam thật sự có công giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ đất nước, dân tộc. Đó còn là ngày hoài niệm lịch sử bi hùng của dân tộc, lịch sử những cuộc kháng chiến, những trận đánh để bảo vệ Tổ quốc, lãnh thổ, dân tộc. Đồng thời ôn cố, tri tân (ôn chuyện xưa, hiểu chuyện nay), nuôi giữ ngọn lửa hoài bão nhiệt huyết cho hiện tại và tương lai, cho công cuộc xây dựng và giữ nước trong hiện tại và cho tương lai giống nòi.

Thông thường, ngày Thương binh Liệt sĩ được nhiều người cho là một ngày buồn, vì vậy chất "bi" nhiều khi lấn át đi chất "hùng". Bài thơ này xin được nhấn mạnh chất "hùng" của ông bà tổ tiên, cha anh, dân tộc, thay vì chất "bi" như nhiều tác phẩm khác về ngày lễ này.



-------------------------------------------------------------------------


Dưới Ngọn Cờ Đào


Nơi đất khách quê người
"Chốn thiên đường"
Hoài vọng về cố hương
Những ngày không quên lại đến
Lòng chợt nhớ quê hương
Hoài niệm về vận nước nổi trôi
Theo dòng đời

Nơi đất khách xa xôi
Nhìn từng chiếc lá vàng rơi
Hoài niệm thời thanh niên sôi nổi
Chốn bưng biền

Nhớ chuyện xưa, những người hiền
Bao tấm gương tiết liệt
Nước Đại Việt nghìn năm văn hiến
Những anh hùng hào kiệt
Đinh - Lý - Trần - Lê - Trịnh - Nguyễn
Những chiến công oanh liệt
"Dù mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có"

Bao nhiêu thời khắc khó khăn
Bao nhiêu vết thương khó lành
Bao nhiêu chiến công thần thánh

Từ loạn mười hai sứ quân cát cứ
Đến mối hận ngăn cách sông Gianh
Đến Quang Trung đại phá quân Thanh
Tạm biệt cảnh ngày Nam đêm Bắc
Nhất thống đôi bờ, dập tắt lửa chiến tranh

Đến thời Tự Đức, Phan - Lâm
Nước Nam đứng trước họa Tây xâm
Người người hờn căm
Tự Đức khiếp sợ phái Phan - Lâm hòa đàm
Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp
Ký hàng ước bán ba tỉnh miền Nam

Họ bán nước bằng giấy trắng, mực đen
Giặc Pháp ngợi khen:
"Triều đình thức thời"
Sĩ phu ba tỉnh nghẹn lời

Cụ Đồ Chiểu dùng "bút pháp Xuân Thu" phê phán
Phan Thanh Giản
Giặc Tây làm mưa gió khắp Nam Kỳ lục tỉnh
Sinh linh đồ thán
Nhà nhà hờn oán:
"Phan - Lâm mại quốc,
Triều đình khí dân."
Phái "chủ hòa", Nguyễn Trường Tộ, Trương Vĩnh Ký....
Lần lượt ra hàng giặc
Dưới chiêu bài canh tân

Sài Gòn - Gia Định sa vào tay lũ giặc Tây phương
"Hòn ngọc Viễn Đông", thủ phủ của thuộc địa Đông Dương
Còn nỗi nhục nào bằng
Nỗi nhục bị mất quê hương
Thê lương!
Nước non chìm trong đêm dài Pháp thuộc

Khắp bốn phương,
Quy thuận Toàn quyền Đông Dương
Lãnh thổ hình chữ S bị giặc chia ba
Nam - Trung - Bắc
Sơn hà xã tắc
Lầm than trong nỗi đau chia cắt

"Chúng ta phải chia để trị,
Dùng người Việt trị người Việt,
Để bọn An Nam này tê liệt."

Một thế kỷ nô lệ và khởi binh
Với bao cuộc trường chinh
Tất cả thành biển máu
Bao nhiêu quân nghĩa đã hy sinh

Tổ quốc và nhân dân
Đời đời tri ân
Những Trương Định,
Thủ Khoa Huân,
Thiên Hộ Dương....
Những anh hùng diệt giặc Tây phương
Mong cứu dân khỏi cảnh trầm luân
Cứu giống nòi qua cơn đói khổ điêu linh
Đánh đuổi những "cứu tinh"
"Khai hóa văn minh"
Lũ bất lương
Từ bên kia bờ đại dương

Những cuộc kháng chiến thành biển máu
Hoàng thành Huế, với những ngôi báu
Bù nhìn, lơ láo
Dân Huế ngoài thành, không có cơm, chẳng có áo

Phải chăng,
Đây gọi là "bác ái", "nhân văn"
Của lũ người tự xưng "khai hóa"?
Đâu cơm ăn, đâu áo mặc?
Nam Kỳ lục tỉnh, rồi cả nước vào tay giặc
Tình hình bế tắc!

Nhưng!
"Dù mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có"
Khi giang sơn lâm cảnh can qua:
Những người con ưu tú sẽ được sinh ra
Đền nợ nước, trả thù nhà
Giành lại nước mà vua Hùng để lại
Dẫu trải qua nghìn vạn lần thất bại

Đã từ lâu....
Dân gian Nghệ An có câu:
"Nam Đàn sinh thánh"
Câu sấm đến tai giáo sư Đào Duy Anh
Giáo sư hỏi cụ Sào Nam (1)
Cụ bộc bạch "nếu có thánh thì chính là Nguyễn Ái Quốc"!

"CHÍ khí tráng sơn hà, kim cổ anh hùng duy hữu nhất,
MINH tinh quang nhật nguyệt, Á - Âu hào kiệt thị vô song!"

"Chí khí trải núi sông, anh hùng xưa nay chỉ có một,
Sao sáng chiếu nhật nguyệt, Á - Âu hào kiệt không có hai."

Còn đó vầng thơ miêu tả của chủ tịch Trung Hoa (2)
Về người anh hùng kiệt xuất của nước ta

Người hợp nhất các lực lượng cộng sản
Họp bí mật tại Hương Cảng
Chính thức thành lập Đảng
Lãnh đạo cuộc kháng chiến vinh quang
Người dẫn dắt cả dân tộc đứng lên
Chiến đấu cho nền độc lập lâu bền

Trong số những học trò tuấn kiệt của Người
Nổi lên một đấng hùng anh
Mà về sau trở thành một đại danh:
Võ Nguyên Giáp!
Thiên tài quân sự Việt Nam

Vốn là người thầy dạy sử
Ông gác bút nghiên
Nghiên cứu binh pháp cổ kim tìm ra những cách đánh
Trước nợ nước thù nhà nặng gánh
Cuộc trường chinh thứ nhất được tiến hành
Mong quét sạch bọn thực dân cướp nước hùng mạnh
Và lũ tay sai bán nước gian manh....


Cờ 3 tài của Cộng hòa Pháp và cờ 3 que của ngụy quyền tay sai Pháp trên cứ điểm Điện Biên Phủ năm 1954.

Thấm thoát đánh Tây được ba năm
Công lao của tướng Võ:
Đã quá rõ!
Sáng tỏ,
Như vầng thái dương
Ngoài các chiến công là một cuộc đời gương mẫu thiện lương
Tướng Giáp,
Là nỗi ám ảnh của giặc Pháp

Thế nên:
Hồ Chủ tịch phong người thầy dạy sử lên làm Đại tướng
Cảm động duyên tri ngộ
Với cụ Hồ
Đại tướng cảm kích, tiếp nhận thử thách
Không phút rỗi rảnh
Khiển tướng điều binh trong cuộc chiến tranh du kích thần thánh
Với phương sách:
Chỗ yếu của giặc, ta đánh
Chỗ mạnh, ta tránh

Một cuộc chiến kỳ lạ giữa "voi" và "hổ"
Mùa khô ta ẩn thân, mùa mưa ta quấy rối khiến chúng phải khổ
Khiến giặc chìm trong bất an và lo lắng
Khủng hoảng tinh thần dai dẳng
Giặc bị hút cạn máu, chết dần mòn
Như một lũ âm binh vô hồn
Chúng giăng thiên la địa võng ở Điện Biên
Âm mưu gài bẫy, tung mẻ lưới đánh cho ta hết vốn
Xây dựng cứ điểm "bất khả xâm phạm" đến nơi đến chốn

Thế nhưng....
Cụ Hồ và Đại tướng tương kế tựu kế
Dùng mưu của giặc đánh lại giặc
Gậy Tây đập lưng Tây!
Đại tướng không dùng mưu Trần Canh
Hay Vi Quốc Thanh
Của nhóm tham mưu Trung Hoa
Với kế sách:
"Đánh nhanh giải quyết nhanh"

Ông xem lại kế hoạch
Và thay đổi cách đánh
Không cứng ngắt theo mưu kế đã vạch
Dùng mưu "đánh chắc tiến chắc"
Pháp-ngụy bị vây kín khắp chung quanh

Ta kiên trì đánh "bóc vỏ"
Tấn công một đội quân thực dân sừng sỏ
Cứ điểm "tường đồng vách sắt" của giặc đã tan tành
Ta tiến về giải phóng Hà thành

Ba tiếng "Điện Biên Phủ"
Như tiếng sét giữa trời quang
Như tiếng vọng từ âm tào địa phủ
Đòi nợ những ông chủ
Thực dân
Với đủ loại súng đạn tối tân

Điện Biên Phủ!
Lừng lẫy năm châu
Chấn động địa cầu
Thức tỉnh và truyền cảm hứng vô tận
Cho các dân tộc đang lận đận
Người người, nhà nhà tự tin chiến đấu giành độc lập
Phong trào giải phóng thuộc địa dâng cao chưa từng gặp

Song....
Thế kỷ hai mươi từ lâu nổi lên một thế lực hùng vĩ:
Đại cường quốc Hoa Kỳ!
Trước đã chi trả chiến phí
Viện trợ binh khí
Cho Tây chiếm Đông Dương
Ý đồ không thành, bèn thay Tây xâm lược

Hàng triệu lượt hùng binh
Tiến hành cuộc đông chinh
Tiêu diệt triệu sinh linh
Tự nhận là cứu tinh
Trên thuộc địa trá hình

Chúng tràn ngập xứ sở
Đánh chiếm nửa cõi bờ

Cờ Hoa binh giỏi tướng tài
Đánh đâu thắng đó, trải dài Á - Phi
Hàng triệu lượt lính Hoa Kỳ
Lần lượt vượt biên thùy
Binh hùng tướng mạnh tung hoành can qua
Đại quân tiến đánh nước ta

Nửa cõi sơn hà vào tay giặc
Tình hình bế tắc
Quê hương chìm trong nước mắt

Thế nước dầu sôi lửa bỏng
Ngàn cân treo sợi tóc

Cuộc đối chiến lịch sử
Cuộc kháng chiến sinh tử
Đã bắt đầu....
Nhưng dù quân giặc có hùng mạnh đến đâu
Cụ Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Vẫn tận lực bình sanh
Đôi bờ Hiền Lương không thể nào ngăn cách!
Ta quyết "nắm thắt lưng" đánh Mỹ!
Đánh gã khổng lồ của nền công nghiệp chiến tranh

Tiền tuyến và hậu phương
Cùng thực hiện hai chiến lược:
Bắc chi viện, Nam đánh giặc
Một lòng đánh đuổi cỗ máy chiến tranh:
Đàn áp bá tánh
Thảm sát dân lành
Những ai không chấp nhận đôi bờ ngăn cách
Trăm họ lầm than, quẫn bách

Và trừng trị ngụy quyền chó săn
Liếm chân giặc xâm lăng
Chỉ điểm cho giặc khủng bố quần chúng
Trong cuộc chiến Việt - Mỹ tranh hùng
 

Khinh thay, nhục thay những kẻ là công dân Việt Nam độc lập từ bốn lăm (1945)
Phản bội Tổ quốc, chạy theo hai tên giặc ngoại xâm
Cam tâm vi Hiến
Rước giặc vào dày xéo mồ mả tổ tiên
Làm một ngụy quyền
Đầy lính kiểng
Đưa lính giặc đi sát hại người hiền
Đốt phá bưng biền
Để về sau phải chịu nhục bám càng bay ra biển
Nỗi nhục nào bằng nỗi nhục thân phận tay sai vì tiền
Làm chó săn
Cho giặc
Vì miếng ăn

oOo

Đã năm năm binh đao khói lửa
Cụ Hồ và Tướng Giáp bàn việc binh
Xây đường huyết mạch vào Nam để kết liễu chiến chinh
Bom thù trút xuống dãy Trường Sơn hùng vĩ
Bao nhiêu cô gái mở đường đã hy sinh....

Đã mười một năm can trường đấu tranh
Giặc càng hao binh tổn tướng càng kéo thêm quân vào hòng thắng nhanh
Tiếp tục nướng quân, hình thành "cục bộ chiến tranh"
Đại tướng bàn kế "nghi binh Khe Sanh"
Do nhớ đòn Điện Biên, giặc càng thêm ám ảnh
Cả thế giới nhìn về Khe Sanh

Nào ngờ....
Sáu mươi vạn hùng binh
Đang ngự trị Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, đất thần kinh
Đồng loạt bị đánh úp
Cả dinh thái thú giặc bị tấn công
Bởi những đội quân chân trần chí thép
Như đội thần binh từ mặt đất đi lên

Từ Khe Sanh đến chiến dịch Mậu Thân
Những kỳ mưu diệu kế như thần
Gây chấn động thế giới
Và nức lòng quân dân

Tại xứ Hoa Kỳ văn minh:
Một cao trào phản chiến lịch sử đã thành hình
Đòi rút quân viễn chinh
Kết thúc cuộc đông chinh
Không có đường thắng
Hoàn toàn sa lầy!
Nhiều thành phố nổi dậy

Những tấm gương hy sinh
Của Norman Morrison, Martin Luther King
Những sự ủng hộ bao la
Của Muhammad Ali, Jane Fonda
Đã khích lệ truyền cảm hứng
Cho người dân Mỹ đấu tranh vì hòa bình
Và quyền tự chủ của một dân tộc không sợ hy sinh

Chính phủ Mỹ tuyệt đường
Quân đội Mỹ chán chường
Một không khí thê lương
Bao nhiêu tên giặc gây ác
Thì bấy nhiêu đồng bọn tự sát
Nghiện ngập, rượu chè, dùng ma túy để quên sầu
Sĩ quan bắn lính, lính bắn sĩ quan rồi đào tẩu
Đào ngũ tràn lan
Không kịp bắt lính
Tà không thể thắng chính

Kỳ tích Mậu Thân đã viết lên bản thiên anh hùng ca
Đem cuộc chiến vào từng màn ảnh xứ Cờ Hoa
Và các quốc gia
Ám ảnh người người, nhà nhà
Từ Johnson đến McNamara
Các khả năng chính trị được mở ra
"Chiến tranh cục bộ" đã bị phá
Hội nghị Ba Lê lợi cho ta....

Nhưng....
Giang sơn dễ đổi, lòng người khó thay
Chứng nào tật nấy
Giặc Mỹ quen thói tham tàn
Quân sáu mươi vạn, hung hăng đi càn
Nam càn quét, Bắc oanh tạc!

Trên mảnh đất tiền phương
Trung dũng kiên cường:
Nguyễn Thị Định
Người nữ hào kiệt của Bến Tre và các tỉnh
Chỉ huy dân quân, du kích
"Tìm Mỹ mà đánh, lùng ngụy mà diệt"
Mở rộng vùng giải phóng, thu hẹp vùng tạm chiếm
Vượt qua bao nguy hiểm

Những dũng sĩ diệt Mỹ can trường
Bất khuất, kiên cường
Với những cách đánh khó lường
Không tồn tại trên giáo trình chốn quân trường

Các chiến sĩ tinh nhuệ
Từ đặc khu Rừng Sác
Và đất thép Củ Chi
Đã chiến đấu gan lỳ
Tung hoành ngang dọc khắp vùng Tam Giác Sắt
Với những trận đánh rửa thù cho đồng bào miền Bắc
Không hổ danh mảnh đất tiến tuyến phương Nam, hào sảng kiêu hùng

Trên đất Bắc:
Quân ta chống "chiến tranh phá hoại"
Bắn rụng tàu bay
Bắt sống giặc lái
Hoàn toàn đánh bại
Các phương tiện chiến tranh hiện đại

Quân dân thủ đô đại thắng trên bầu trời Hà Nội Điện Biên
Hội nghị Ba Lê càng lợi cho ta ứng biến
Buộc Mỹ ký hiệp định ngưng chiến

Thế nhưng....
Chữ ký trên giấy còn chưa ráo mực
Mỹ-ngụy đã tráo trở, điều khoản bầu cử ba thành phần đã không thi hành
La hét khẩu hiệu "tràn ngập lãnh thổ",
Mỹ lùa ngụy quân càn quét từ thôn quê đến thị thành
Hung hăng tiến đánh
Nhưng, vùng giải phóng vẫn vững như bàn thạch

Năm một chín bảy lăm
Đại tướng bày kế kéo giặc ra hai nơi
Cắt giặc làm đôi
Cùng Trung ương chỉ huy chiến dịch Mùa Xuân
Chỉ đạo toàn quân
"Nghi binh Tây Nguyên" kế khó lường
Đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử
Giặc hỗn loạn tranh nhau chạy
Cờ quạt, quân trang ném đầy đường

Quân ta tiến lên, thế như chẻ tre
Bốn phương tám hướng, mưa lũ tràn về
Đại tướng chỉ thị phải táo bạo đánh nhanh
Xốc tới giải phóng đô thành
Thuộc địa kiểu mới đã tan tành

Trời quang mây tạnh
Việt Nam độc lập, no ấm, an lành

Những chiến công hiển hách
Đã đi vào sử sách

Những con người áo vải
Người xưa, người nay
Người tương lai
Tiếp tục giữ lửa chiến đấu mãi
Dưới ngọn cờ đào
Từ cờ đào đến vàng sao
Từ Tây Sơn Quang Trung đại anh hào
Đến thời đại Hồ Chí Minh
Mãi mãi quang vinh

Không còn một thế kỷ binh đao khói lửa
Những người phụ nữ đứng tựa cửa
Trông con
Một dạ sắt son
Chờ chồng
Mong ngày giải phóng
Quân thù sạch bóng
Đoàn tụ một dải non sông
Phấp phới ngọn cờ hồng
Mãi mãi một chiến công

Lời ai vẫn vang vọng
"Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước"
Những bước chân Trường Sơn
Những bộ đội Cụ Hồ lên đường chống xâm lược
Giải phóng quê hương
Gìn giữ từng tấc đất con đường
Những bước chân phong sương
Vượt qua vạn dặm trường
Chi viện mảnh đất tiền phương
Trung dũng kiên cường
Giữ gìn quê mẹ yêu thương

Bất kể giặc là ai
Nơi Bắc phương
Chốn Tây Nam biên cương
Hay bên kia bờ đại dương
Đều cuốn gói về nước
Tỉnh giấc mộng xâm lược

Cuộc tổng tiến công từ bốn phương, tám hướng
Chiến dịch mang tên người anh hùng cứu quê hương
Quê nhà đã sạch bóng quân xâm lược
Mở ra một kỷ nguyên tự chủ tự cường
Ngày ba mươi tháng tư bảy mươi lăm
Lời Người vang vọng mãi ngàn năm.


Thiếu Long

---------------------------------------------------------------

Chú thích:

1) Biệt danh và bút danh quen thuộc nhất của cụ Phan Bội Châu, lãnh tụ kháng chiến chống Pháp theo đường lối Cần Vương.

2) Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Đây là 2 câu đối ông gởi tặng Việt Nam năm 1969.